Hội nghị có sự tham dự của Đại sứ các nước: Lào, Armenia, Mông Cổ, Philippines, Ấn Độ, Israel; lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Xiêng Khoảng, Lào; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu chào mừng, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch nhằm thể hiện quyết tâm, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực và lan tỏa trong thu hút đầu tư vào ngành kinh tế mà cả vùng đều có thế mạnh là phát triển ngành kinh tế du lịch.
Trong những năm qua, kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có những phát triển rất rõ nét, các hoạt động liên kết của vùng đã được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương và phát triển khu kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác xuyên biên giới. Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch các tỉnh trong khu vực vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế như kỳ vọng. Bởi vậy, thông qua hội nghị, các tỉnh trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và thống nhất đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất những kiến nghị phù hợp để phát triển kinh tế du lịch của cả vùng.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả vùng. Trong đó, nhấn mạnh việc tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và thực hành du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống lưu trú, các dịch vụ ăn uống, nhà hàng và dịch vụ vận chuyển hành khách. Đồng thời, các đại biểu nhấn mạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phát triển du lịch, mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết, đa dạng hóa các loại hình xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng các chương trình, tiết mục về nghệ thuật thực hành Then để biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch văn hóa, lịch sử…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, đại diện cho các tỉnh có di sản Then trao Thỏa thuận hợp tác khai thác phát triển du lịch cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và 11 tỉnh có di sản Then. Lãnh đạo các tỉnh Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư du lịch.
Bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương thay mặt lãnh đạo các tỉnh có di sản Then cam kết sẽ luôn nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, điện và các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch liên vùng, đẩy mạnh liên kết trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm tạo ra những bước đột phá lớn về du lịch.
Theo ngaynay.vn