Với “vai trò kép”, nữ trí thức gặp rất nhiều khó khăn khi vừa thực hiện thiên chức người vợ, người mẹ, vừa phải thực hiện vai trò, chức năng của một nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo, kinh doanh...
Vươn lên khẳng định vị thế
ThS Đỗ Thị Nga (Trường Đại học Nguyễn Huệ) cho rằng, hiện nay, nữ trí thức được đào tạo nghiêm túc, có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, họ có trình độ, có vị trí khoa học và những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển của quốc gia.
Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức nói chung và trí thức nữ nói riêng là nguồn nhân lực đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Kinh nghiệm và thực tiễn ở các nước phát triển cho thấy quá trình phát triển kinh tế số đòi hỏi phải có một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, sức sáng tạo lớn, trong đó nguồn lực trí thức nữ đóng vai trò không nhỏ.
Tuy nhiên, đội ngũ nữ trí thức hiện nay vẫn chưa thực sự được quan tâm, động viên, khuyến khích. Do đó, phát huy vai trò và phát triển năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định và là việc làm cần thiết.
Theo ThS Đỗ Thị Nga, nhìn từ chiều cạnh giới, nữ trí thức vừa là bộ phận tiêu biểu về trí tuệ của phụ nữ Việt Nam, đồng thời là những người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Họ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp trồng người và xây dựng gia đình bền vững. Độ tuổi của nữ trí thức Việt Nam ngày càng rộng (từ 20 - 80 tuổi). Bên cạnh đó, số lượng nữ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư ngày càng nhiều, bao trùm trên nhiều ngành, nghề, từ giáo dục - đào tạo đến công nghệ số, kỹ thuật quốc phòng, khoa học sự sống…
ThS Hà Văn Thiều (Trường Đại học Nguyễn Huệ) cho rằng, số lượng nữ trí thức có trình độ đại học trở lên đang ngày càng tăng nhưng càng ở bậc học cao, tỷ lệ chênh lệch giữa nữ và nam càng lớn. Chẳng hạn, nữ giáo sư hiện chỉ chiếm 5,26%; nữ đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 30,26%; nữ đại biểu HĐND khóa 2021 - 2026, cấp tỉnh/thành chiếm 29,00%, cấp quận, huyện, thị xã chiếm 29,20% và cấp xã, phường, thị trấn chiếm 28,98%...
Đồng thời, cơ cấu của đội ngũ nữ trí thức còn bất hợp lý trong phân bố vùng miền. Nữ trí thức tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn. Nữ trí thức người dân tộc thiểu số rất ít ỏi. Phần lớn nữ trí thức có trình độ chuyên gia đã tuổi cao. Nữ trí thức trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, chính trị có tỷ lệ thấp, ngành kinh tế và ngành khoa học xã hội chiếm tỷ lệ cao...
Ngoài ra, gia đình - tế bào của xã hội - đang chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố làm cho các mối quan hệ của gia đình có xu hướng ngày càng lỏng lẻo. Điều này cũng diễn ra trong nhiều gia đình nữ trí thức. Với “vai trò kép”, nữ trí thức gặp rất nhiều khó khăn khi phải vừa thực hiện thiên chức người vợ, người mẹ, vừa phải thực hiện vai trò, chức năng của một nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo, kinh doanh...
Thậm chí không ít chị phải từ bỏ sự nghiệp để giữ hạnh phúc gia đình. Một số khác làm việc cầm chừng hoặc an phận, dẫn đến hiện tượng “lãng phí chất xám”, “bạc chất xám” của nguồn lực nữ trí thức. Hiện tượng nữ trí thức thành đạt sống độc thân hoặc chấp nhận gia đình “thiếu vắng” đang có xu hướng gia tăng.
Đội ngũ nữ trí thức cần có nhiều chính sách quan tâm hơn nữa. Ảnh: TTXVN. |
“Rào cản” phát triển
Theo ThS Đỗ Thị Nga, những rào cản ảnh hưởng tới phát triển đội ngũ nữ trí thức là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối. Đó là, kinh tế - xã hội đất nước còn chưa phát triển, là người vợ, người mẹ, nữ trí thức phải lo toan cuộc sống vật chất hàng ngày, thời gian, tâm sức dành cho công việc bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bên cạnh đó, định kiến giới trong xã hội còn khá nặng nề đối với phụ nữ nói chung và càng nặng nề hơn đối với nữ trí thức. Tư tưởng thiếu lòng tin vào năng lực trí tuệ của phụ nữ trong hoạt động khoa học, trong quản lý, lãnh đạo… của một bộ phận tạo ra những rào cản lớn trong hoạt động sáng tạo của họ.
Đồng thời, chính sách đối với nữ trí thức, phát huy tiềm năng, vai trò của nguồn nhân lực nữ trí thức còn nhiều bất cập. Cho đến nay, chưa có một chính sách riêng đối với nữ trí thức. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nữ trí thức vẫn còn ghép chung trong chính sách đối với phụ nữ, đối với trí thức nói chung.
Một số chính sách đặc thù cho phụ nữ mang tính chất “ưu tiên” lại trở thành rào cản lớn đối với nữ trí thức và tạo ra khoảng cách giới. Bên cạnh đó, bản thân đội ngũ nữ trí thức chưa vươn lên khẳng định mình. Tự ti, an phận, níu kéo nhau... vẫn là rào cản lớn đối với nữ trí thức hiện nay.
Đưa ra giải pháp phát huy nguồn lực trí thức nữ trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp lần thứ tư, ThS Hà Văn Thiều cho rằng, cần nâng cao nhận thức của dân chúng về vai trò của nữ trí thức trong phát triển đất nước. Đây là giải pháp quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nữ hiện nay.
Bởi, theo quy luật khách quan trong hoạt động thực tiễn của con người, có nhận thức đúng mới có hành động đúng và nhận thức không đúng thì sẽ vấp phải những sai lầm, khuyết điểm, thất bại. Vì vậy, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân, nam giới và nữ giới về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong phát triển đất nước, là một trong những nội dung, biện pháp quan trọng mang tính đột phá. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Chú trọng khâu đào tạo
Ở Việt Nam bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị -xã hội rất quan tâm. Tuy được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, nhưng việc ban hành văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới còn chậm. Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là quy định chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Vì vậy, phải sớm khắc phục tình trạng này ngay trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan để bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động.
Đồng thời, cần phải tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cơ chế chính sách về giới và bình đẳng giới, một số chính sách “ưu tiên” khác cho phù hợp. Chẳng hạn chính sách nghỉ thai sản cho lao động nữ nên chuyển sang chính sách thai sản cho cha mẹ, trong đó quy định rõ người cha cần nghỉ ít nhất là 30% thời gian, mọi quyền lợi của cha, mẹ đều được giữ nguyên tại nơi làm việc và được tôn trọng trong gia đình. Danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” cũng cần phải dành cho cả nam và nữ.
Bên cạnh đó, phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí cho phụ nữ. Để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phải đẩy mạnh cải cách toàn diện giáo dục, từ cấp mầm non đến đại học và sau đại học, từ sách giáo khoa, chương trình, nội dung đào tạo đến phương pháp dạy và học. Đặc biệt, phải gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành và gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội.
Đồng thời, xây dựng chiến lược đào tạo nữ trí thức theo từng lĩnh vực, từ đó cụ thể hóa kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo nữ trí thức theo cơ cấu, nghề nghiệp phù hợp, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, các cấp, ngành chức năng cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, hướng nghiệp dành cho học sinh, sinh viên nữ. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn nghề nghiệp từ trong các trường phổ thông cho đến đại học. Xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Để tạo nguồn cán bộ bền vững, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm học sinh nữ là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các em là học sinh nữ, sinh viên dân tộc thiểu số. Phải có chiến lược đầu tư rõ ràng, cụ thể và mang tính đặc thù với đối tượng nhóm dân tộc, từng ngành nghề khác nhau. Trong đó, đặc biệt chú ý tới phát triển lực lượng nữ trí thức ở các huyện, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, các vùng khó khăn...
Mặt khác, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cần chú ý đào tạo năng lực ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nữ trí thức. Bởi, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi đội ngũ nữ trí thức không chỉ chủ động sáng tạo, mà còn phải biết kế thừa, tiếp thu, chuyển giao, làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ để đón bắt thời cơ, cạnh tranh với các địa phương khác, quốc gia khác. Hơn nữa, cần xóa bỏ rào cản từ thái độ tự kỳ thị của phụ nữ. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nữ trí thức Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng gặp nhiều thách thức.
Do vậy, để nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới, thì bản thân nữ trí thức trước hết phải nhận thức đầy đủ vai trò về giới của mình, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Có như vậy mới chủ động vượt ra khỏi định kiến giới, sự tự ti mặc cảm để vượt lên chính mình, không ngừng phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, hoàn thành tốt công việc.
Khi nữ trí thức biết phát huy thế mạnh thì họ sẽ tự tin, sáng tạo, quyết đoán, lập kế hoạch, biết đối mặt với áp lực, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội để tích lũy tri thức và kinh nghiệm sống. Đồng thời, biết tận dụng sự hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, cùng với những nỗ lực chủ quan, vượt qua những trở ngại về giới, hoàn thành được vai trò kép góp phần tạo lập, duy trì gia đình hạnh phúc và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp bình đẳng giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Theo giaoducthoidai.vn