Gương sáng điển hình của cô giáo Hoàng Thị Uyên
Ngày 09 Tháng 05, 2025
Trong hành trình xây dựng một nền giáo dục nhân văn và bao dung có những nhà giáo mang trong mình trái tim đầy yêu thương và sự tận taamluoon là điểm tựa vững chắc cho bao thế hệ học sinh, đặc biệt là các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi. Cô giáo Hoàng Thị Uyên, giáo viên trường Mầm non Vĩnh Hưng, chính là một trong những tấm gương sáng ấy.

Cô giáo Hoàng Thị Uyên, giáo viên trường Mầm non Vĩnh Hưng
Tốt nghiệp đại học khoa giáo dục đặc biệt trường đại học sự phạm Hà Nội, cô không chỉ vững chuyên môn bên giáo dục mầm non mà còn không ngừng nỗ lực trong việc nâng cao chuyên môn để giúp đỡ trẻ có nhu cầu đặc biệt. Hiện tại, bên cạnh công việc giảng dạy, cô Hoàng Thị Uyên còn theo học chương trình cao học để nâng cao chuyên môn và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục hòa nhập. Cô luôn tin rằng với lòng nhiệt huyết và tình yêu trẻ, mình sẽ không chỉ giúp trẻ khuyết tật hòa nhập mà còn hỗ trợ các em tự tin và mạnh mẽ bước vào cuộc sống.
.jpg)
Cô Hoàng Thị Uyên đánh giá và tư vấn phụ huynh về các mặt phát triển của bé
Trong những năm gần đây, tác động kéo dài của dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều vấn đề phát triển ở trẻ em, bao gồm chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động và giảm khả năng tập trung. Việc phải ở nhà trong thời gian dài đã hạn chế cơ hội giao tiếp của trẻ với bạn bè và môi trường xung quanh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của chúng. Thêm vào đó, sự bận rộn trong công việc đã khiến không ít phụ huynh phải phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ, như điện thoại thông minh, để quản lý và giám sát con cái. Điều này đã góp phần làm gia tăng khó khăn trong giao tiếp và phát triển kỹ năng xã hội của trẻ.Do vậy, ngay từ đầu năm học, cô đã tham mưu với nhà trường lên kế hoạch đánh giá mức độ phát triển của trẻ, nhằm có định hướng tư vấn cho phụ huynh về các khía cạnh phát triển của con em mình. Qua quá trình đánh giá và tư vấn phụ huynh, cô Hoàng Uyên nhận thấy số lượng trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ, tự kỷ và tăng động trong lớp học đã gia tăng đáng kể. Đặc biệt, nhiều trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp do thiếu tương tác xã hội trong những năm qua. Đối với những trẻ có nhu cầu đặc biệt, khó khăn không chỉ phát sinh từ việc dạy học mà còn đến từ việc phối hợp với gia đình. Cô chia sẻ: “Có những phụ huynh hiểu rõ con mình đang gặp vấn đề và sẵn sàng hợp tác với giáo viên, nhưng cũng có những phụ huynh vẫn phủ nhận, điều này khiến việc hỗ trợ trẻ trở nên khó khăn hơn”. Bằng nghiệp vụ giáo dục đặc biệt và lòng kiên nhẫn, cô Uyên không chỉ giúp trẻ trong lớp học mà còn dành nhiều thời gian tư vấn, trò chuyện cùng phụ huynh. Cô đã xây dựng các kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng trẻ, tập trung vào việc sửa ngọng, rèn hành vi, phát triển vốn từ, và dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi, nhiều trẻ đã bắt đầu hòa nhập tốt hơn, biết giao tiếp, tham gia hoạt động cùng các bạn.

Cô Hoàng Thị Uyên hỗ trợ trẻ hòa nhập cùng các bạn trong lớp học
Chia sẻ về một số kinh nghiệm giảng dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, cô Hoàng Uyên cho biết: Việc đầu tiên khi dạy trẻ hòa nhập cần phải xác định nhu cầu năng lực của trẻ. Đây là một việc làm bắt buộc trong giáo dục hòa nhập. Có tìm hiểu nhu cầu và khả năng của trẻ mới có thể xây dựng được kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ và các hoạt động hỗ trợ khác. Điểm quan trọng thứ hai là cần lựa chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy, cần tạo tình huống cho trẻ nói, dạy trẻ nói những câu ngắn gọn, đơn giản. Bên cạnh đó, khi dạy cần chia nhiệm vụ ra thành nhiều bước nhỏ, tách các mục tiêu học tập ra thành nhiều cấp bậc. Ngoài ra, cần hình thành cho trẻ những kỹ năng sống phù hợp và xây dựng mục tiêu giáo dục cho trẻ. Nhìn những học trò đặc biệt của mình tốt lên mỗi ngày là động lực để cô tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia với các em mắc chứng tự kỷ học hòa nhập.



Nguyễn Thị Tuyết Lê