Thí sinh đọc hướng dẫn thi trước khi bước vào kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Quang Vinh.
Ráo riết ôn tập để về đích
Chỉ còn 3 ngày nữa, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội sẽ bắt đầu. Thầy và trò khối 9 vẫn đang miệt mài ôn luyện với mong muốn đạt kết quả tốt nhất. Ghi nhận tại Trường THCS Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội), các lớp học ôn vẫn diễn ra sôi nổi. Em Minh Trà, một học sinh lớp 9 của trường cho biết, dù năm học đã kết thúc nhưng để thuận lợi cho việc hệ thống lại kiến thức, rèn kỹ năng, tốc độ làm bài nên gia đình đã đăng ký cho em học ôn tại trường.
Được biết, học phí cho thời gian học ôn cuối năm này được nhà trường tính 10.000 đồng/tiết học/học sinh. Riêng học thêm vào cuối giờ chiều là 75.000 đồng/buổi/học sinh. Dự kiến, lớp học sẽ duy trì đến ngày 6/6 gần sát với ngày thi chính thức để học sinh được ôn tập kỹ càng nhất.
Tương tự, nhiều trường THCS trên địa bàn Thủ đô cũng tổ chức các lớp học ôn theo nguyện vọng của phụ huynh. Và đa số học sinh đều lựa chọn đăng ký học thêm tại trường vì thuận lợi cho việc di chuyển, quen thầy cô và các bạn, chi phí hợp lý.
Chị Đào Thu Hà (Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, con trai chị đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, là ngôi trường nhiều năm nằm trong top 10 trường THPT công lập không chuyên có tỷ lệ chọi cao nhất Hà Nội. Xác định đây là một mục tiêu không dễ dàng nên để giảm áp lực cho con, gia đình đã dự trù phương án một trường THPT dân lập, tuy nhiên con vẫn không giảm cường độ học tập, thậm chí ở giai đoạn nước rút vẫn chạy sô học thêm kín lịch.
Thấu hiểu sự lo lắng của phụ huynh và học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ, việc thí sinh và gia đình mong muốn đỗ vào trường THPT công lập tốt nhất trong khả năng của mình là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, nếu đặt kỳ vọng quá lớn so với học lực của con thì không nên. “Trong những ngày cuối cùng gần sát kỳ thi, song song với việc ôn tập kiến thức, nắm chắc kiến thức cơ bản, rà soát những lỗi sai hay gặp phải, thí sinh cần chú ý lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp vì sức khỏe thời điểm này là quan trọng nhất. Không thể để căng thẳng, mệt mỏi quá độ mà lăn ra ốm ngay trước kỳ thi. Phải chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để đối mặt với kỳ thi quan trọng này” - ông Lâm chia sẻ.
Cảnh báo thiết bị gian lận
Tại Hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 của Hà Nội ngày 4/6, Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó trưởng Phòng PA06, Công an TP Hà Nội đã lưu ý một số thiết bị công nghệ cao mà thí sinh, phụ huynh có thể sử dụng để gian lận thi.
Cụ thể, đối với thí sinh, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử thường được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử tinh vi như tai nghe siêu nhỏ liên kết với một thiết bị có gắn sim điện thoại hỗ trợ cuộc gọi. Hay thiết bị được thiết kế ngụy trang dưới nhiều dạng vật dụng gồm: thẻ ATM, kính mắt, bút viết, đồng hồ thông minh, cúc áo, vòng đeo tay… Thí sinh sẽ cố ý đưa thiết bị vào phòng thi để chụp ảnh, thu âm gửi đề ra ngoài. Khi đó, các đối tượng ở bên ngoài sẽ tiếp nhận, giải đề và gửi vào bên trong phòng thi cho thí sinh gian lận.
Đối với giáo viên và phụ huynh, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ có thể được sử dụng ở tất cả các khâu của kỳ thi nhằm cố ý can thiệp bất hợp pháp vào hệ thống máy tính; thu thập thông tin về đề thi từ khâu làm đề thi, in sao đề thi, quá trình vận chuyển đề thi, bài thi; đánh tráo bài thi, sửa đổi thông tin, số liệu, điểm thi trong quá trình chấm thi,...
Để phát hiện thí sinh gian lận thi, các giám thị cần chú ý một số đặc điểm như thí sinh sẽ tìm mọi cách để che giấu hành vi của mình, luôn thụ động và có những biểu hiện khác thường như: lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên, thời tiết nóng bức nhưng mặc áo dài tay, áo nhiều lớp, cổ áo, túi áo cộm đồ vật, để tóc dài trùm tai, gáy….Sau khi nhận được đề thi thí sinh có thể có những biểu hiện như, lẩm bẩm đọc đề phát ra tiếng, có dấu hiệu chờ bên ngoài giải đề thi gửi vào, hay để tay lên mặt, hay quan sát cán bộ coi thi.
Trên thực tế, những năm trước dù giáo viên ở trường và cán bộ coi thi nhắc nhở, lưu ý nhiều nhưng khi kỳ thi diễn ra, vẫn có thí sinh bị lập biên bản vì mang điện thoại di động vào phòng thi hoặc sử dụng các thiết bị thu phát, gian lận trong phòng thi bị phát hiện. Vì vậy, ngoài việc ôn tập, nhà trường và giáo viên cũng cần đặc biệt lưu ý, nhắc nhở học sinh về danh mục các vật dụng cấm mang vào phòng thi, gồm: giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Hàn Minh
Theo daidoanhet.vn