Giá trị thương mại giữa Việt Nam và 11 thị trường trọng điểm châu Á có thể tăng đáng kể vào năm 2030. Nghiên cứu “Clearing the Runway for Intra-Asia Trade” (tạm dịch “Khai thông tuyến đường thương mại nội Á”) đã nêu rõ các động lực tăng trưởng thương mại, các khó khăn thách thức và chỉ ra hành động cần thiết của các bên liên quan nhằm mở ra cơ hội phát triển vào năm 2030, theo nghiên cứu do UPS vừa công bố
Hoạt động thương mại của 12 thị trường trọng điểm Châu Á, còn gọi là Asia-12, hiện chiếm 88% giá trị thương mại của toàn khu vực Nội Á và dự kiến có thể tăng gấp đôi từ 6,4 nghìn tỷ USD năm 2020 lên 13,5 nghìn tỷ USD năm 2030. Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trở thành một công xưởng sản xuất quan trọng trong khu vực. Trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ còn gia tăng vị thế hơn nữa với dự báo tăng trưởng giá trị thương mại với các thành viên trong khu vực Asia-12 tăng từ 326 tỷ USD lên 465 tỷ USD vào năm 2030.
Bà Michelle Ho, chủ tịch UPS khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi cho biết: “Thương mại Nội Á có tiềm năng đáng kinh ngạc trong thập kỷ tới, nhờ vào thành tựu mà các nền kinh tế quan trọng trong khu vực đã đạt được trong những năm gần đây”.
“Thông qua mạng lưới toàn cầu và chuyên môn cao trong lĩnh vực, UPS đã và đang giúp các chính phủ châu Á, các đối tác trong ngành, và các khách hàng quan trọng xác định hướng đi phù hợp trong lĩnh vực thương mại quốc tế trong suốt 5 thập kỷ qua. Báo cáo này là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, cùng với những nghiên cứu nhằm chỉ ra cơ hội và thách thức của thương mại Nội Á trong mười năm tiếp theo và xa hơn nữa.”
Các nhóm ngành quan trọng góp phần tăng trưởng thương mại của Việt Nam
Bốn nhóm ngành thúc đẩy sự gia tăng thương mại trong khu vực Asia-12 gồm bán lẻ, sản xuất công nghiệp và tự động hóa (IM&A), công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe. Tại Việt Nam, năm 2020, các lĩnh vực này chiếm 82% giá trị thương mại với các nước còn lại trong khu vực.
Nhóm ngành công nghệ cao đang đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực nhập khẩu khi chiếm 43% giá trị giao thương của Việt Nam với khu vực nội Á, giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong tương lai nhờ gia tăng số hóa tại các quốc gia thuộc Asia-12. Trong khi đó, lĩnh vực IM&A đang chiếm 21% giá trị giao thương của Việt Nam với khu vực, và được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nhờ sự hỗ trợ của chính phủ trong việc thúc đẩy lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho phép các doanh nghiệp Việt tiếp cận với nhiều thị trường xuất khẩu và hàng tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu các rào cản thương mại.
Nỗ lực của các bên liên quan giúp Việt Nam đạt được tiềm năng phát triển thương mại
Thương mại Nội Á mang lại rất nhiều tiềm năng. Song, một số rào cản có thể khiến giao thương trong khu vực Asia-12 bị trì trệ nếu không được giải quyết. Cụ thể tại Việt Nam, hạn chế về cơ sở hạ tầng trong ngành logistics có thể giới hạn khả năng cung ứng theo nhu cầu ở các nền kinh tế đang phát triển. Ngành logistics ở nước ta đang bị phân tán mạnh mẽ, với 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này khiến tiềm năng đổi mới bị hạn chế và giới hạn đầu tư quy mô lớn vì các DN vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc tháo gỡ các nút thắt ngành.
Các bên liên quan cần đưa ra hành động thiết thực nhằm giảm bớt những cản trở đối với thương mại khu vực và khai thác các cơ hội tiềm năng để thúc đẩy thương mại Nội Á phát triển. Các doanh nghiệp có lợi ích thương mại tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics cần phải xây dựng khả năng chống chịu trước những rủi ro tiềm ẩn, đồng thời sẵn sàng nắm bắt cơ hội mà tăng trưởng thương mại kinh tế Nội Á mang lại. Việc này bao gồm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, số hóa toàn diện và tích hợp các DN vừa và nhỏ vào chuỗi cung ứng khu vực.
“Các DN vừa và nhỏ đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và một trong những nhận định mà nghiên cứu này nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc đảm bảo các DN vừa và nhỏ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tận dụng được tiềm năng của thương mại Nội Á trong thập kỷ tới”, ông Squall Wang, Giám đốc điều hành UPS Việt Nam chia sẻ.
“Tại UPS, chúng tôi đang thực hiện điều này bằng cách giúp các doanh nghiệp thực thi chuyển đổi số và đơn giản hóa quy trình vận chuyển. Với chuyên môn hàng đầu trong cung cấp giải pháp môi giới hải quan, UPS có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mở ra các cơ hội tiềm năng cho giao thương quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hàng không của mình, với nhiều chuyến bay mới từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được khai thác trong ba năm qua”.
Theo ngaynay.vn